Một bạn khởi nghiệp muốn phát triển theo mô hình nhượng quyền, nhắn hỏi Citi & Partners: “Khi ra Nhượng quyền thì mình phải chia sẻ bí quyết về kinh doanh, về sản phẩm, vậy đối tác nhận quyền sau một thời gian họ học được những bí quyết của mình rồi họ không hợp tác nữa, họ tự ra kinh doanh tương tự như mình thì sao?”
Đây là vấn đề mà hầu hết các Doanh nghiệp hoạt động theo mô hình nhượng quyền đều thắc mắc và trăn trở nhiều. Bởi lẽ, Doanh nghiệp nhượng quyền cần chia sẻ, đào tạo cho bên Đối tác nhận quyền rất nhiều thứ; trong đó có cẩm nang vận hành, cẩm nang chế biến (ví dụ như mô hình nhà hàng), quy trình đào tạo nhân viên,… Để bên đối tác có thể vận hành chi nhánh trơn chu và có thu được lợi nhuận ý như công ty của bạn. Vậy là sao mà bảo mật được bí quyết kinh doanh?
Bạn cần quan tâm đến 3 vấn đề:
Thứ nhất: Pháp lý trong Nhượng quyền
- Bạn cần đảm bảo rằng bạn là người sở hữu những tài sản trí tuệ (như nhãn hiệu hàng hóa, mô hình thiết kế chi nhánh, phần mềm quản lý riêng của Doanh nghiệp, tài liệu đào tạo, hay cẩm nang vận hành chi nhánh,…), đây là cơ sở để bạn có thể cấp phép cho đối tác nhận quyền sử dụng, và ngăn cản không cho ai sao chép , sử dụng trái phép những tài sản này.
Việc sở hữu này giúp đối tác nhận quyền thấy được bạn coi trọng thương hiệu của bạn xây dựng; giúp đối tác yên tâm khi sử dụng thương hiệu mà không sợ đối thủ cạnh tranh sao chép, nhái theo làm ảnh hưởng đến hoạt động của họ; và cũng ngăn chặn chính đối tác nhận quyền sau khi kết thúc hợp đồng sử dụng trái phép những tài sản trí tuệ của bạn vì họ đã từng được tiếp cận và sử dụng.
- Trong Hợp đồng nhượng quyền cần nêu rõ thời gian được khai thác sử dụng (thường là Hợp đồng từ 5 năm đến 10 năm), và điều kiện sau khi kết thúc Hợp đồng (ví dụ: sau 5 năm liên tục sau khi kết thúc Hợp đồng nhượng quyền, bên đối tác nhận quyền không được phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tương tự của bên nhượng quyền).
Thứ hai: Bí quyết kinh doanh –> Bạn nên “tổng hợp hóa” bí quyết kinh doanh của mình
Ví dụ Nhà hàng Chay rau sạch trong chia sẻ trước. Trong mô hình của nhà hàng chay rau sạch có món “Lẩu rau nấm”, thay vì bạn xây dựng công thức chế biến cho món Lẩu rau nấm là phải dùng đường 50 gr, ớt 2 quả, tỏi 1 củ, nước tương 2 thìa, giấm 2 thìa,… thì bạn hãy tạo nên một gói gia vị cô đặc (dạng nước/ dạng khô) để dùng riêng cho món Lẩu rau nấm.
Và khi bạn chia sẻ (hay bán) cho đối tác nhận quyền thì bạn chia sẻ (bán) cho họ gói gia vị cô đặc đó. Ở đây, gói gia vị chính là bí quyết kinh doanh của bạn, và chỉ có bạn mới biết được công thức, thành phần chuẩn để tạo nên hương vị đó.
Làm theo cách này, bạn vừa có thể kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào bên Chi nhánh nhận quyền, vừa phòng tránh rủi ro về bí quyết cốt cõi trong doanh nghiệp của bạn.
Thứ ba: Xây dựng Quan hệ trong nhượng quyền
Dù là bạn đã chuẩn bị và rất chặt chẽ về mặt pháp lý, phần bí quyết kinh doanh cũng có giải pháp phòng ngừa; tuy nhiên vẫn có thể xảy ra những rủi ro mà bạn chẳng thể lường trước được. Như vậy, thay vì bạn cứ tìm cách để đề phòng đối tác thì hãy quay về phía họ và xác lập mối quan hệ nhượng quyền thật tốt để cả hai bên có thể cùng nhau đi được lâu dài.
Quan hệ nhượng quyền là mối quan hệ cực kỳ phức tạp. Theo đó, dưới góc độ là bên nhượng quyền bạn cần hiểu rõ được những Đối tác nhận quyền khác nhau họ sẽ trải qua những giai đoạn tâm lý khác nhau thế nào, và trong mỗi giai đoạn đó với tư cách là Công ty nhượng quyền bạn cần có những chuẩn bị gì và cách xử trí thế nào để thuyết phục và đưa Đối tác nhân quyền cùng “lên thuyền” xây dựng hệ thống cùng bạn.
Riêng phần Xây dựng mối quan hệ nhượng quyền, bạn tham khảo thêm 3 bài viết dưới đây nhé. Trong 3 bài viết này, mình phân tích 3 Giai đoạn chính mà bất cứ Đối tác nhận quyền nào cũng sẽ trải qua là PHỤ THUỘC – ĐỘC LẬP – TƯƠNG HỖ. Và trong 3 giai đoạn này, tùy vào từng trường cụ thể, Đối tác nhận quyền sẽ đi qua 6 Cấp độ.
CẦN LÀM GÌ ĐỂ XÂY DỰNG QUAN HỆ NHƯỢNG QUYỀN BỀN VỮNG? (Phần I)
CẦN LÀM GÌ ĐỂ XÂY DỰNG QUAN HỆ NHƯỢNG QUYỀN BỀN VỮNG? (Phần II)
CẦN LÀM GÌ ĐỂ XÂY DỰNG QUAN HỆ NHƯỢNG QUYỀN BỀN VỮNG? (Phần III)
Citi & Partners hy vọng rằng, mỗi bạn khởi nghiệp theo mô hình phát triển nhượng quyền đều có thể tìm được cách tốt nhất để bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình!
Citi & Partners